Được xây dựng kiên cố nhưng trải qua thời gian, công trình nào cũng sẽ có hư hại, xuống cấp theo mức độ khác nhau. Tùy vào tình trạng của công trình, nhu cầu sử dụng cũng như điều kiện kinh tế của gia đình, gia chủ cần đưa ra quyết định cải tạo hay xây mới để cả nhà có không gian sống an toàn, tiện lợi hơn.
Công trình nhà ở được xây dựng từ bê tông, cốt thép thường sẽ có tuổi thọ không quá 50 năm, và khoảng thời gian sử dụng an toàn, chất lượng nhất cũng chỉ tầm 20 năm. Chịu tác động từ điều kiện thời tiết, các nguyên nhân khách quan khác hay cách mà gia đình sử dụng, mỗi phần của ngôi nhà sẽ xuất hiện hư hỏng từ nhỏ cho tới lớn như sơn phai màu, rêu mốc, đường ống nước có vấn đề… và lúc này là lúc gia chủ đưa ra quyết định để sửa chữa, bảo dưỡng hay đập đi xây mới hoàn toàn công trình.
Khi nào chúng ta nên cải tạo?
Cải tạo là gì?
Cải tạo là nâng cấp chất lượng công trình sau thời gian dài sử dụng, mở rộng diện tích hoặc điều chỉnh cơ cấu diện tích ở hiện có trên khung móng của nhà cũng, giúp gia chủ không chỉ tiết kiệm tiền bạc mà còn cả thời gian tiến hành so với việc xây mới.
Một số trường hợp cải tạo thường thấy theo mức độ hư hỏng và nhu cầu sử dụng:
- Sơn lại tường, thêm chống thấm cho tường có rêu hay bị ngấm nước, lắp đặt thêm tấm cách nhiệt, cách âm…
- Khắc phục đường ống nước bị vỡ, mái lợp xuống cấp theo thời gian.
- Thay thế khung cửa cũ.
- Cải tạo bếp sau một thời gian sử dụng đã bị xuống cấp.
- Thay đổi các nhu cầu về không gian: phân chia lại không gian sinh hoạt, mở rộng không gian sống bằng cách cơi nới hoặc nâng tầng trên cốt nhà cũ…
- Làm mới phong cách, tạo không gian sống đẹp hơn.
Quyết định cải tạo, gia chủ nên tự làm hay thuê người có chuyên môn?
Từ những lỗi nhỏ như sơn tường, sơn chống thấm… cho tới sửa chữa kết cấu và phân chia không gian, thuê người vẫn là phương án gia chủ nên ưu tiên, bởi:
- Khi cải tạo cần đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, thi công đúng cách để đạt hiệu quả tốt nhất. Ví dụ như khi phá dỡ tường, gia chủ hầu như không tính toán được việc thay kết cấu nhà có những ảnh hưởng gì, chỉ đơn thuần sửa lại theo nhu cầu thì có thể vô tình làm biến dạng cấu trúc nhà mà không hề hay biết, gây mất an toàn cho toàn bộ công trình.
- Phần cải tạo sau hoàn thiện phải hòa hợp với phần còn lại của ngôi nhà. Điều này cần tới bàn tay của người có chuyên môn để tạo sự đồng bộ cho công trình.
Nếu không thực sự am hiểu, việc bỏ chi phí thuê đơn vị thiết kế, thi công chuyên nghiệp sẽ giúp bạn tránh lãng phí khi chưa tối ưu được chi phí hoặc phát sinh do cải tạo không hiệu quả. Điều cần chú trọng trên hết là cải tạo phải an toàn, chất lượng và thẩm mỹ phải đạt yêu cầu.
Khi nào chúng ta nên xây mới?
Thông thường sau 20 năm sử dụng, công trình sẽ không còn mới và bền chắc như lúc ban đầu, bắt đầu có sự hỏng hóc. Nếu mức độ hỏng là 40% và gia đình có nhu cầu cũng như điều kiện để xây mới cũng được còn thông thường người dùng sẽ cải tạo khi chất lượng công trình chỉ còn 50% hoặc thậm chí ít hơn.
Xây mới đem lại lợi ích gì cho người dùng?
Tiến hành xây mới nghĩa là chúng ta sẽ tạo một tổ ấm hoàn toàn mới cho mình, có thể thống nhất phong cách, lên kế hoạch về không gian chi tiết tiện nghi hơn và quan trọng nhất là có một không gian sống an toàn, chất lượng hơn – điều mà cải tạo một phần ngôi nhà khó đem lại trọn vẹn.
Và dù xây mới hay cải tạo, vẫn có những nguyên tắc chúng ta cần để tâm
Luôn có kế hoạch chi tiết trước khi bắt tay vào làm
Trước khi cải tạo hay xây mới, gia chủ cần đặt ra cho mình 3 câu hỏi lớn:
- – Tại sao cần cải tạo (xây mới) nhà mình?
- – Nhu cầu của gia đình là gì? Công trình sau hoàn thiện phải đáp ứng được yêu cầu gì?
- – Điều kiện kinh tế hiện tại có cho phép mình tiến hành không?
- Bàn bạc cùng các thành viên trong gia đình và khi có đáp án cuối cùng thì chúng ta đã tìm được hướng giải quyết phù hợp với gia đình minh rồi.
- Hoàn thiện giấy tờ về mặt pháp lý trước khi tiến hành
- Dù là cải tạo hay xây mới thì trong quá trình thi công đều ít nhiều ảnh hưởng tới những hộ gia đình xung quanh nên cần phải có sự cho phép và giấy tờ pháp luật rõ ràng. Còn nếu chỉ sửa chữa, lắp đặt thiết bị bên trong công trình và không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng hay ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình thì có thể miễn giấy phép xây dựng (theo điểm G, khoản 2, điều 89 của Luật xây dựng năm 2014).
- Giám sát chặt chẽ quá trình nghiệm thu nhà sau hoàn thiện
- Một số gia chủ có tâm lý bàn giao hết công việc cho đơn vị thiết kế, không theo sát công trình trong quá trình thi công để tới khi hoàn thiện thì lại không vừa ý, tiến độ không đúng ý. Khi đó rất khó để thay đổi lại theo đúng yêu cầu của gia chủ và chi phí bỏ ra cũng tốn kém hơn.
Muốn quá trình cải tạo (xây mới) đạt hiệu quả, gia chủ phải đóng vai trò chủ đạo, kiểm soát và kết hợp cùng đơn vị thiết kế để công trình nhanh chóng hoàn thiện đúng kế hoạch.
“Nhà” không chỉ là nơi ta sống, sinh hoạt mà còn là tổ ấm yêu thương của gia đình mỗi người. Vì thế việc sửa chữa, “chăm sóc” tổ ấm này là vô cùng quan trọng. Hãy cùng cả nhà bàn bạc và đưa ra kế hoạch phù hợp nhất để giúp căn nhà mãi kiên cố, mãi là chốn về an toàn cho gia đình mình bạn nhé.